Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương và sự nổ lực phấn đầu của toàn đảng, toàn dân tình hình kinh tế xã hôi, an ninh quốc phòng của địaphương đạt dduwowcj nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể: 
        Về kinh tế xã hội.
Tổng giá trị sản xuất hằng năm tiếp tục duy trì bước tăng trưởng khá, đạt trung bình hàng năm 14,8%. Tổng giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 200.000 triệu đồng, riêng năm 2019 đạt 206.914 triệu đồng; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hư­ớng tích cực, cụ thể: nông nghiệp, thủy sản chỉ còn chiếm 34,7%; tiểu thủ công nghiệp là 36,0%; thương mại - dịch vụ là 29,3 %.
Sản xuất nông, thủy sản duy trì tăng trưởng cao trong bối cảnh có những khó khăn về sản xuất như giảm dần diện tích do công tác quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thời tiết, dịch bệnh diễn biến thất thường, lũ lụt xảy ra nhưng ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã cùng với sự phối hợp của các ban nghành đoàn thể nên tiến độ sản xuất nông nghiệp so với lịch gieo trồng và thời vụ đạt kết quả tốt.
Thực hiện Chỉ thị 06-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy và Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân huyện “Về việc đổi điền, dồn thửa lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Hoằng Phượng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/ĐU tập trung lãnh đạo triển khai trong toàn xã, chủ trương đã được cấp ủy triển khai cụ thể, thống nhất trong toàn xã, phổ biến đến các thôn tiến hành họp dân để lấy ý kiến rộng rãi, bàn bạc kỹ càng và tiến hành thu và giao lại đất đai canh tác, kết quả đã có 100% số thôn tổ chức giao ruộng ngoài thực địa cho nhân dân xong trước quý III năm 2018. Với việc thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa lần thứ ba, mỗi hộ nông dân Hoằng Phượng chỉ còn lại từ 1 đến 2 mảnh ruộng, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, tạo những cánh đồng mẫu lớn, từ đó tập trung đầu tư cơ giới hóa và các điều kiện thâm canh tiến lên mô hình sản xuất lớn trong nông nghiệp.
Diện tích gieo trồng hàng năm tuy giảm về diện tích, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật mới, thực hiện tốt các khâu sản xuất cơ giới hóa đồng bộ, đưa nhiều giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Với việc quy hoạch xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, năng suất bình quân các cây trồng chính hàng năm tiếp tục tăng, cây lúa đạt 65 tạ/ha, ngô đạt 55 tạ/ha, từ đó sản l­ượng lương thực có hạt tiếp tục đạt cao với khoảng 2.698 tấn/năm.
Ngành chăn nuôi ít bị tác động của dịch bệnh do làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêm các loại thuốc phòng dịch đầy đủ, đúng định kỳ theo hướng dẫn của ngành thú y nên đã hạn chế được dịch bệnh tại địa phương. Nhân dân đã tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, theo hướng trang trại, tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm khoảng 16.557 con, trong đó đàn trâu, bò là 361 con; đàn lợn khoảng trên 800 con; đàn gia cầm khoảng 13.500 con, đạt tỷ lệ trên 90% so với Nghị quyết đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá XXIV) và Đề án của UBND huyện về phát triển kinh tế ngành thuỷ sản, các vùng nuôi trồng thủy sản dựa trên điều kiện tự nhiên sẵn có và được ủy ban nhân dân xã quy hoạch chuyển đổi một số diện tích đất 5% và đất cơ bản trồng lúa năng suất thấp sang phát triển theo mô hình cá - lúa. Toàn xã có 14 ha ao hồ đã tổ chức đấu thầu, khoán thầu cho nông dân, hàng năm có thu nhập từ 100-120 triệu đồng.
Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ th­ương mại tiếp tục được Đảng ủy xác định là khâu đột phá chính vàđư­ợc nhân dân chú trọng và mở rộng, duy trì và phát triển. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 10/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa về “Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân xã Hoằng Phượng đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đẩy mạnh công tác thu hút, kêu gọi phát triển doanh nghiệp, nhờ đó đã mang lại kết quả tích cực, hiện nay trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp, công ty ra đời cùng với các doanh nghiệp lân cận và khu công nghiệp thành phố Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong xã, số người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm đáng kể, hầu hết các hộ gia đình đều có người làm công nhân đem lại nguồn thu nhập thường xuyên và không ngừng tăng lên, số hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm từ 2 - 3%, năm 2015 là 4,7% thì năm 2017 chỉ còn 4,59% theo tiêu chí mới; thu nhập bình quân thu nhập tăng từ 29,1 triệu đồng (năm 2015) lên 35,4 triệu đồng/người/năm (2017).
Dịch vụ thương mại phát triển ngày càng đa dạng, bảo đảm dịch vụ hàng hóa phục vụ đời sống, sản xuất, xây dựng cơ bản. Các loại hình sản xuất, kinh doanh cá thể không ngừng tăng lên, nếu năm 2015 là 361 hộ thì năm 2018 đã có 389 hộ, từ đó đã từng bước giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Đảng ủy quan tâm, vừa phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí và hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đảng uỷ đã có Nghị quyết lãnh đạo tăng cường khai thác các nguồn thu tại chỗ, huy động nguồn thu ngoại lực. Thực hiện nghiêm túc chế độ thu, chi ngân sách, tiết kiệm chi hoạt động thường xuyên, chi hoạt động hành chính công, đầu tư ngân sách cho xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ quốc tế dân sinh và thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ba năm từ 2016 đến 2018, đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như Công sở, Sân vận động, Trạm Y tế, Trường Mầm non, Tiểu học, đường giao thông liên thôn, nội thôn, đường đi và đưa vào quy hoạch nghĩa trang nhân dân làng Vĩnh Gia theo tiêu chí nông thôn mới, hệ thống mương tiêu thoát nước trong khu dân cư trên toàn xã. Tập trung xây dựng chuẩn quốc gia các trường học, ngân sách xã đầu tư xây dựng công trình nhà lớp học đa năng, các công trình phụ trợ Trường Tiểu học, Trường Mầm non với tổng số tiền: 10.503023.196 đồng; xây dựng 6 phòng học đa năng, lớp học, nhà bảo vệ, cổng, khuôn viên sân thể chất, rãnh thoát nước Trường Tiểu học, với tổng kinh phí: 1.149.473.000 đồng. Tính chung trong 3 năm, tổng số tiền đầu tư xây dựng đạt 30.145.048.957 đồng, trong đó, từ ngân sách xã là 21.392.048.957 đồng; ngân sách Nhà nước hỗ trợ 8.753.000.000 đồng.
Với những nỗ lực to lớn, cuối năm 2016, xã Hoằng Phượng đã hoàn thành những tiêu chí và nâng các tiêu chí đã hoàn thành đạt chuẩn lên 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, được các cấp thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 tại Quyết định số 4673/QĐ-UBND, ngày 30/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Có thể thấy rõ, những ngôi nhà kiên cố, cao tầng, những thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống văn hóa của người dân Hoằng Phượng... đang thực sự làm đổi thay bộ mặt làng quê. Chính cách làm sáng tạo, vững chắc và sự chung tay, góp sức của người dân đã tạo ra nguồn lực và tiền đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Với những công trình phục vụ dân sinh mới cũng sẽ tiếp tục được xây dựng từ sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân để nông thôn mới ở Hoằng Phượng ngày càng thay da đổi thịt.
Quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường và giao thông thủy lợi, thực hiện Nghị quyết số 05 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm đúng mức, mỗi làng đều có quy hoạch khu chứa rác thải tập trung, có đội thu gom, vận chuyển rác thải, đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ; ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhân dân được nâng lên. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho nhân dân được chú ý thực hiện; công tác quản lý đất đai được tăng cường.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-UBND tỉnh về giải phóng hành lang giao thông và kênh mương, xã đã triển khai rà soát, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về xây dựng trái phép đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã xử lý theo quy định của pháp luật, giải toả 100% các hộ dân lấn chiếm hành lang các tuyến đường Kim Giang, tuyến đường đê tả sông Mã và các tuyến kênh mương... Hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tổ chức đấu giá đất hàng năm.
Phối hợp với Ban văn hóa, động viên tuyên truyền phát động bảo vệ môi trường cho nhân dân hiểu, tiếp tục thực hiện công tác thu gom rác thải ở các đơn vị thôn, thực hiện đề án thu gom rác thải tập chung, làm tốt công tác vệ sinh môi trường không để xảy ra các tụ điểm lớn về môi trường trên địa bàn. Đến năm 2015, 100% số hộ đã được dùng nước sạch, hợp vệ sinh.
Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân xã đã thành lập các tổ giám sát cộng đồng, ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên tăng cường kiểm soát giết mổ, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nhờ đó, trong những năm qua không để xảy ra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Tăng cường công tác quản lý về thu, chi tài chính ngân sách đúng Luật Ngân sách Nhà nước quy định, tập trung nguồn chi cho xây dựng cơ bản, phát triển nguồn thu từ chuyển mục đích sử dụng đất. Hoạt động của các tổ vay vốn ngân hàng như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đang tiếp tục phát huy có hiệu quả, đã bám vào các chương trình, các dự án vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo được triển khai và giải ngân kịp thời, tiếp tục phát huy có hiệu quả đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong bối cảnh đất nước đang có bước phát triển mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, bối cảnh đó đã tác động đến tình hình văn hóa - xã hội với những chuyển biến tích cực.
Giáo dục và đào tạo tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân theo tinh thần các Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXV), các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giảng dạy và học tập tiếp tục có bước phát triển mới. Năm học 2019 - 2020, tổng số giáo viên của 3 trường hiện có 60 thầy, cô giáo, trong đó Trường Trung học cơ sở có 16 thầy, cô do Hà Minh Hải (xã Hoằng Trung) làm Hiệu trưởng; Trường Tiểu học có 18 thầy, cô do Trịnh Ngọc Khanh (xã Hoằng Quý) làm Hiệu trưởng; Trường mầm non có 26 cô do cô Nguyễn Thị Duyên (xã Hoằng Giang) làm Hiệu trưởng. Tổng số lớp hiện có là 30 lớp, trong đó Trung học cơ sở có 7 lớp, Tiểu học có 12 lớp, Mầm non có 11 lớp. Tổng số học sinh của 3 cấp học là 841 em, trong đó Trung học cơ sở có 221 học sinh, Tiểu học có 335 học sinh, Mầm non có 285 cháu. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100% trong đó có 20% đạt trên chuẩn, học sinh lên lớp hàng năm đạt 98%, không có học sinh bỏ học; chất lượng mũi nhọn mỗi năm có hàng chục học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; có 90,7% học sinh đậu vào trung học phổ thông; trong 3 năm học từ 2016 đến 2018 có 51 học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học; cả 3 nhà trường đều là trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cả trường Tiểu học và Mầm non đều đạt chuẩn mức độ 2.
Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, hoạt động khuyến học, khuyến tài được quan tâm phát huy có hiệu quả. Công tác khuyến học, khuyến tài được các cấp, các ngành quan tâm, đã thực sự khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; nâng cao nhận thức của mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư đối với công tác khuyến học khuyến tài; hàng năm, hội khuyến học tổ chức tết khuyến học, gặp mặt trao thưởng cho học sinh đậu đại học, học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, học sinh nghèo vượt khó đã trở thành nét đẹp truyền thống và là động lực thúc đẩy phong trào ở địa phương. Trong 3 năm Ban Chấp hành Hội Khuyến học xã đã phối hợp với các nhà trường trao thưởng cho học sinh có thành tích tốt trong học tập và học sinh đậu đại học với tổng số tiền là 28.900.000 đồng.
 Trung tâm học tập cộng đồng đó được duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, hằng năm tổ chức mở cáclớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân và học nghề cho hàng trăm lượt người tham gia. Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, Hội khuyến học xã nhà từng bước thực hiện xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được quan tâm đúng mức.Thực hiện tốt công tác khám và điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng nên không để dịch bệnh xảy ra. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2012 - 2020. Đội ngũ cán bộ y tế xã, y tế thôn hầu hết có trình độ chuyên môn, trong đó có 1 bác sỹ, 1 y sỹ, 2 y tá do bác sĩ Hoàng Thị Xuân (thôn (Vĩnh Gia 2) làm Trưởng trạm, luôn đảm bảo công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân, mỗi năm đãkhám và điều trị cho hơn hai nghìn lượt người; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả công tác tiêm chủng cho 100% phụ nữ có thai và các cháu trong độ tuổi; giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, số người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ 87%...
 Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã có nhiều chuyển biến, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm túc chính sách dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới, các gia đình ngày càng có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con tốt, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên toàn xã đạt 0,56%.
Các hoạt động văn hoá thông tin, tuyên truyền được duy trì và phát triển, hệ thống loa truyền thanh được đầu tư tu sửa nâng cấp, đảm bảo chất lượng thông tin, chuyển tải kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của địa phương đến mọi người dân,
 Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đờì sống văn hoá ở khu dân cư" được chỉ đạo tích cực, các làng bám vào tiêu chí làng văn hoá để hoạt động, toàn xã có 86% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Các hoạt động lễ hội truyền thống, di tích lịch sử văn hoá đình làng được quan tâm, hàng năm các làng vận động nhân dân, con em xa quê cung tiến nhiều hiện vật có giá trị và hàng trăm triệu đồng tiền mặt để trùng tu, sữa chữa, mua sắm cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ hoạt động tín ngưỡng của nhân dân trong địa phương; phong trào thể dục thể thao đã và đang phát triển mạnh, số người tham gia luyện tập thể dục thể thao, đi bộ, chơi cầu lông, bóng chuyền ngày càng tăng.
Các chính sách an sinh xã hội, phong trào đến ơn đáp nghĩa được quan tâm; hàng năm cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng thường xuyên chăm lo thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết, động viên, giúp đỡ các đối tượng chính sách lúc hoạn nạn khó khăn; thực hiện các chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước đầy đủ, kịp thời. Toàn xã có 318 đối tượng hưởng các chế độ theo Nghị định 67/CP.
 Ban Chấp hành Đảng bộ đã tổ chức quán triệt nhiệm vụ, các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp ủy Đảng về công tác quốc phòng, an ninh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó ý thức đề cao cảnh giác phòng ngừa âm mưu phá hoại chế độ, chống đối Đảng và Nhà nước, phòng chống tội phạm, tệ nạn, thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, công an, quân sự làm tham mưu, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phối hợp theo chức năng nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Công tác quốc phòng - quân sự địa phương được củng cố, hàng năm tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân theo quy định và kế hoạch đề ra. Ban Chỉ huy quân sự xã lần lượt do đồng chí Nguyễn Xuân Tư và Nguyễn Thế Oai làm Xã đội trưởng, hàng năm đều làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia hành động thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ. Tổ chức trực chỉ huy sẵn sàng chiến đấu trong các ngày lễ, tết của đất nước. Nắm vững tình hình thường xuyên tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền trong công tác quân sự quốc phòng trên địa bàn toàn xã.
Trong 5 năm, đã tổ chức tiễn đưa 36 thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển gọi thanh niên nhập ngũ. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, triển khai Quyết định 49/CP của chính phủ về chính sách đối với ng­­­ười tham gia “Dân công hoả tuyến”, đến nay đã đề nghị cấp trên xét duyệt và chi trả cho 365 đối tượng và tiếp tục rà soát đề nghị 329 đối tượng.
An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, thường xuyên củng cố kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo an ninh trật tự xã. Trưởng Công an xã do đồng chí Nguyễn Xuân Yêm đảm nhiệm, với 4 tổ bảo vệ an ninh trật tự thôn và an ninh xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự tại địa phương đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông, giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; An ninh chính trị, an ninh nông thôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, trong nhiều năm liền, trên địa bàn không để xảy ra vụ án lớn, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.
Đảng ủy đã có ban chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, các quyết định kiện toàn, quy chế phối hợp, bổ sung các hương ước, thực hiện hướng dẫn pháp luật, điều chỉnh các quy định về tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính đáp ứng đứng yêu cầu nền hành chính công. Thực hiện tốt cải cách hành chính, giải quyết những ý kiến của cán bộ và nhân dân,công tác quản lý điều hành của chính quyền ngày càng có hiệu quả, thường xuyên kiểm tra giám sát tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Ủy ban nhân dân xã bố trí phòng tiếp dân gắn với nhiệm vụ phòng một cửa theo cơ chế cải cách thủ tục hành chính liên thông, phòng có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác như bàn làm việc, ghế cho công dân ngồi, có quạt mát, có máy vi tính, máy phô tô, ấm chén, nước phục vụ nhân dân, có sổ sách ghi chép từng đầu việc và kết quả giải quyết với công dân, có bảng phân lịch làm việc niêm yết công khai các khoản thu phí và lệ phí theo quy định. Phân công cán bộ, công chức trực tiếp dân và giải quyết công việc hàng ngày, như công chức tư pháp - hộ tịch, văn phòng, văn hóa xã hội phụ trách mảng chính sách xã hội, công an, địa chính, quân sự đều là những đồng chí có đủ năng lực, trình độ chuyên môn tốt nắm vững luật pháp, chính sách, có phẩm chất đạo đức tốt để tiếp và giải quyết công việc với công dân. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân không để nổi cộm, bức xúc xảy ra.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, được xác định là nhiệm vụ then chốt, vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật của đảng và đẩy mạnh công tác dân vận, nhìn chung năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong đảng được khẳng định và phát huy.
Công tác chính trị, tư tưởng được cấp ủy quán triệt, triển khai học tập kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của các cấp ủy Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân như: Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương (khóa XII) như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức học tập các chuyên đề hằng năm theo chương trình kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, các nghị quyết của tỉnh, nghị quyết của huyện,các hướng dẫn, các quy định của cấp trên. Hằng năm thong qua sơ kết, tổng kết, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, Đảng ủy đã lựa chọn và đề xuất khen thưởng cho nhiều cá nhân xuất sắc điển hình.
Nhìn chung, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và các cấp được Ban Thường vụ Đảng ủy phân công cụ thể cho từng đồng chí chịu trách nhiệm nghiên cứu và truyền đạt, gắn với việc triển khai Nghị quyết Đảng ủy xây dựng các chương trình hành động cho từng nghị quyết để tổ chức thực hiện.
Kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU, ngày 21/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, cho thấy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét; vai trò của công tác tư tưởng, chính trị trong Đảng ngày càng trở nên quan trọng, được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú ý và đẩy mạnh, hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc các quan điểm đường lối chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từng bước nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm củng cố lòng tin với đảng với nhân dân.
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
234446